Đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

Câu hỏi: Chào Luật sư! Mong Luật sư giải đáp cho tôi vấn đề các vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam? Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

I/ Căn cứ pháp lý:

- Luật Đầu tư 2014
- Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2015.
- Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
- Nghị định số 222/2013/`NĐ-CP về Giao dịch tài chính của doanh nghiệp: “Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp”.
- Thông tư số 16/2015/TT-BTC Hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại điều 6 nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt
- Thông tư 131/2010/TT-BTC hướng dẫn quy chế góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài trong các doanh nghiệp VN.


II/ Luật sư tư vấn

1. Điều kiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với các NĐT nước ngoài:

* Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức:

- Có tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này;

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Đồng thời là giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh) hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

-Nếu trong trường hợp ủy quyền thì phải có bản sao giấy đăng ký kinh doanh và văn bản thể hiện việc ủy quyền của các bên.

* Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân:

- Có tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này.

- Bản sao hộ chiếu còn giá trị.

- Đối tượng NĐT nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư với Sở kế hoạch và Đầu tư

2. Hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.

* Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

- Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

* Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

- Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các mục trên.

3. Đối tượng phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp


Đối tượng thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2014 thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2014 tăng từ dưới 51% lên 51% trở lên;

- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2014 đang từ 51% trở lên tăng lên mức cao hơn.

4. Trình tự, thủ tục góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp vào Tổ chức kinh tế:

- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

- Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau:

(1) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

(2) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.

- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc trường 2 hợp ngoài trừ nêu trên phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn như sau:

Bước 1: NĐT chuẩn bị hồ sơ đăng kí góp vốn

* Hồ sơ 01 bộ bao gồm:

- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Theo mẫu);

- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân đã được lãnh sự quán hợp pháp hóa; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý của lãnh sự quán đối với nhà đầu tư là tổ chức.

- Ghi chú: Bản sao hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 118/2015/NĐ-CP: bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính hoặc bản in từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp và đầu tư.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch và đầu tư

- Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (nơi tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài vốn góp, mua cổ phần, phần vốn góp đặt trụ sở chính.

- Trong trường hợp Nhà đầu tư ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thì người làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác và các giấy tờ sau:

+ Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Nhà đầu tư và tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả; hoặc

+ Văn bản ủy quyền hoặc giấy giới thiệu cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Sau khi có giấy chứng nhận đầu tư của Sở kế hoạch và đầu tư cấp trong thời hạn 10 ngày, chủ doanh nghiệp được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp phải thực hiện đăng kí thay đổi nổi dung đăng kí kinh doanh bao gồm: thay đổi thành viên công ty, thay đổi tỷ lệ vốn điều lệ tăng hoặc giảm… Trong thời hạn 7 ngày làm việc, NĐT sẽ được cơ quan đăng kí kinh doanh cấp lại Giấy đăng kí kinh doanh.

Bước 5: Tiền hành các thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nếu trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài làm thay đổi loại hình doanh nghiệp sau khi thực hiện góp vốn tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở. Đồng thời Doanh nghiệp thay đổi con dấu Công ty và Mã số thuế của Doanh nghiệp.

5. Hình thức thanh toán:

Căn cứ theo Điều 6 – Nghị định 222/2013/NĐ-CP thì các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

Thanh toán bằng Séc;
Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
 Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.