THỦ TỤC THỰC HIỆN QUYỀN KHAI SINH CHO TRẺ EM BỊ BỎ RƠI

Câu hỏi: Thủ tục thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Giấy khai sinh là một giấy tờ rất quan trọng đối với trẻ mới sinh ra, đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi, không xác định được danh tính bố mẹ, người nhận nuôi sẽ đứng ra để làm giấy khai sinh cho đứa trẻ đó theo sự cho phép của pháp luật. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi sẽ khác so với thủ tục đăng ký khai sinh thông thường, vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ các thông tin để thực hiện một cách chính xác nhất để tránh được những sai sót không đáng có.

Dưới đây là thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi:

* Thành phần hồ sơ:

+ Giấy chứng sinh (nếu có);

+ Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi;

+ Giấy tờ chứng minh đã thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương đủ thời hạn 30 ngày.

+ Trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi: Nộp kèm theo văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

* Thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp xã.

* Trình tự thực hiện:

+ Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, nơi trẻ em bị bỏ rơi hoặc qua đường bưu chính, từ thứ hai đến thứ sáu(buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11giờ 30 phút, buổi chiều từ 13g 00 đến 17giờ 00) và sáng thứ bảy (từ 07 giờ 30 phút đến 11giờ 30 phút).

+ Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ. Trường hợp hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định.

+ Bước 3: Ngay khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, công chức Tư pháp-Hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh. Trường hợp từ chối, thông báo bằng văn bản, có nêu rõ lý do.

* Yêu cầu và điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

+ Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.

+ Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

+ Sau khi lập biên bản Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

+ Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

+ Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.