CÁC ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC TRONG XÁC LẬP HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG ?

Câu hỏi: Các điều kiện bắt buộc trong xác lập hợp đồng lao động?

 Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Hợp đồng lao động được xác lập phải không thuộc một trong các trường hợp hợp đồng vô hiệu được quy định trong Bộ Luật lao động năm 2012. Theo đó, khi xác lập hợp đồng lao động, cần đáp ứng các điều kiện sau:

+ Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức, xã hội.

+ Người ký kết hợp đồng lao động đúng thẩm quyền;

+ Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc không bị pháp luật cấm;

+ Nội dung của hợp đồng lao động không hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

+ Thời giờ làm việc của người lao động: Thời giờ làm việc là độ dài thời gian mà người lao động phải tiến hành lao động theo quy định của pháp luật, theo thoả ước lao động tập thể hoặc theo hợp đồng lao động. Thời giờ làm việc của người lao động phải được đảm bảo trong hợp đồng như sau:

  •     Thời giờ làm việc ban ngày:  không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
  •     Thời giờ làm việc ban đêm: Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
  •     Làm thêm giờ: Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  •     Được sự đồng ý của người lao động;
  •    Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
  •     Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

+ Thời giờ nghỉ ngơi: Thời giờ nghỉ ngơi là độ dài thời gian mà người lao động được tự do sử dụng ngoài nghĩa vụ lao động thực hiện trong thời giờ làm việc. Thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau:

  •    Nghỉ trong giờ: Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo thời giờ làm việc bình thường được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc. Ngoài ra, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.
  •     Nghỉ chuyển ca: Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

+ Nghỉ hằng tuần: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

+ Nghỉ hằng năm: Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

  •     12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  •    14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
  •     16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
  •     Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
  •     Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
  •     Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

+ Nghỉ lễ, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: những ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng, người lao động được quyền nghỉ theo số ngày pháp luật quy định. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

+ Chế độ tiền lương:

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Mức lương phải được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động, các bên có thể ký kết phụ lục hợp đồng để điều chỉnh mức lương hoặc quyết định tăng lương của người sử dụng lao động.

Tiền lương trong thời gian thử việc: Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật lao động năm 2012, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận trong hợp đồng thử việc nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Tiền lương khi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động: theo quy định tại Điều 28 Bộ luật lao động năm 2012, người lao động được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

+ Chế độ tăng lương: Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.