Các Hình Thức Và Trình Tự Thủ Tục Ký Kết Hợp Đồng Kinh Tế

Câu hỏi: Các hình thức và trình tự thủ tục ký kết hợp đồng kinh tế hiện nay được quy định như thế nào?

Luật sư tư vấn: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi pháp lý đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

* Các hình thức xác lập hợp đồng kinh tế:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có ba hình thức xác lập hợp đồng kinh tế, các chủ thể có thể lựa chọn xác lập hợp đồng bằng một trong các hình thức đó. Tuy nhiên, một số trường hợp pháp luật quy định hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản thì các bên phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Dưới đây là các hình thức xác lập hợp đồng kinh tế:

- Xác lập bằng lời nói: đây là hình thức thể hiện hợp đồng có độ chính xác thấp nhất khi ở đây các bên các bên chỉ dùng lời nói để xác lập các thỏa thuận mà không có một bằng chứng cụ thể nào có thể xác nhận được các thỏa thuận của họ, các bên chọn cách thức hợp đồng này chủ yếu dựa trên uy tín và độ tin tưởng lẫn nhau.

- Xác lập bằng văn bản: Là hình thức thể hiện hợp đồng mang tính pháp lý và chính xác cao. Các bên tham gia hợp đồng cùng nhau ký kết xác lập một hợp đồng bằng văn bản, trong đó ghi đầy đủ các nội dung đã thỏa thuận. Nhất thiết trong văn bản cần có đủ chữ kí của tất cả các bên, mỗi bên tham gia hợp đồng sẽ được giữ một bản. Các trường hợp thường được áp dụng hình thức hợp đồng này:

+ Các hợp đồng có giá trị lớn.

+ Quyền và nghĩa vụ được qui định trong hợp đồng có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài sau khi các bên tham gia giao kết hợp đồng.

+ Để đảm bảo chắc chắn các bên sẽ thực hiện theo những gì đã được thỏa thuận trong hợp đồng.

+ Hợp đồng có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp.

+ Với trường hợp đối tượng mà hợp đồng hướng đến là những tài sản mà nhà nước cần phải quản lý và kiểm soát.

+ Với một số trường hợp mà các bên tham gia hợp đồng muốn có sự chứng thực của Nhà nước.

- Xác lập bằng một hành vi cụ thể: khi chủ thể thực hiện một hành vi hay một vài hành vi thì coi như hợp đồng đã được thỏa thuận và thực hiện.

* Trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng kinh tế:

Với mỗi hình thức xác lập hợp đồng kinh tế sẽ có các trình tự, thủ tục xác lập khác nhau. Theo đó, hợp đồng kinh tế bằng lời nói được các bên xác lập qua sự trao đổi trực tiếp bằng miệng với nhau. Hợp đồng xác lập bằng hành vi cụ thể thì thời điểm xác lập đồng thời là thời điểm thực hiện hợp đồng. Với hợp đồng được lập bằng hình thức văn bản, trình tự thủ tục lại có điểm khác biệt hơn so với các hình thức còn lại.

Trình tự, thủ tục giao kết hợp đồng bằng văn bản gồm 03 bước như sau:

+ Bước 1: Đề nghị giao kết hợp đồng kinh tế: là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

  •      Do bên đề nghị ấn định;
  •     Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

  •     Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;
  •      Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;
  •      Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

+ Bước 2: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

+ Bước 3: Giao kết hợp đồng:

Địa điểm giao kết hợp đồng: Địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Thời điểm giao kết hợp đồng:

  •     Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
  •    Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
  •     Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
  •    Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
  •     Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.