Cơ Sở Xác Lập Hợp Đồng Kinh Tế

Câu hỏi: Cơ sở xác lập hợp đồng kinh tế là gì?

 

Luật sư tư vấn: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi pháp lý đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Hợp đồng kinh tế là thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân hoặc thương nhân với các bên có liên quan, nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và xúc tiến thương mại.

Chủ thể của hợp đồng kinh tế là các bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế. Các chủ thể tham gia hợp đồng kinh tế hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện, thoả thuận để xác lập và thực hiện những quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hợp đồng kinh tế được ký kết giữa 2 chủ thể là:

- Hợp đồng kinh tế giao kết giữa hai thương nhân với nhau. Trong đó, thương nhân, là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Hộ kinh doanh, Hợp tác xã….).

- Hợp đồng kinh tế giao kết giữa một bên là thương nhân với một bên là cá nhân hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật. Trong đó, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm:

+ Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong);

+ Buôn bán vặt, là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

+ Bán quà vặt, là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

+ Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

+ Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

+ Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Hợp đồng kinh tế được xác lập trên cơ sở sự tự nguyện, thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập hợp đồng kinh tế. Pháp luật trao cho các bên chủ thể của hợp đồng kinh tế được tự do thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Như vậy, mặc dù pháp luật cho phép các chủ thể được tự do thỏa thuận nhưng nội dung thỏa thuận đó không được trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Hợp đồng kinh tế được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Như vậy, pháp luật cho phép các bên được tự do thỏa thuận về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng kinh tế. Từ thời điểm hợp đồng kinh tế có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.