Dịch bệnh Covid-19 có được xem là trường hợp bất khả kháng trong giao dịch dân sự không?

20-04-2020, 4:41 pm

 

Theo pháp luật Việt Nam, thuật ngữ “sự kiện bất khả kháng” được định nghĩa trong Bộ luật Dân sự 2015 là một sự kiện: (1) xảy ra một cách khách quan, (2) không lường trước được và (3) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép.

Theo đó, dịch bệnh là sự kiện khách quan, tuy nhiên, để được xem là sự kiện bất khả kháng thì phải chứng minh là các bên đã lường trước được hay chưa? Đã dùng mọi biện pháp và khả năng cho phép để khắc phục hay chưa? Nếu đáp ứng được "điều kiện đủ" này thì dịch bệnh mới được xem là sự kiện bất khả kháng trong giao dịch dân sự.

Giả sử, dịch bắt đầu tư tháng 01/2020, đến tháng 02/2020, theo kế hoạch trước đó A muốn mở Thẩm mỹ viện, tuy biết là có dịch nhưng A vẫn muốn kinh doanh vì nghĩ dịch bệnh sẽ không lan rộng. Do đó, A thỏa thuận thuê nhà của B. Đến nay, Thẩm mỹ viện không thể hoạt động vì không có khách thì A không thể lấy căn cứ dịch bệnh làm lý do để không thanh toán tiền thuê nhà được, vì bản chất là A có thể lường trước được nhưng vẫn chấp nhận ký kết hợp đồng trong thời gian có dịch bệnh.

Trong trường hợp này thì dịch bệnh là điều kiện cần nhưng các bên không đáp ứng được điều kiện đủ theo phân tích ở trên thì không thể đương nhiên xem dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng.

Về nghĩa vụ chứng minh cho sự kiện bất khả kháng sẽ thuộc về bên muốn dựa vào sự kiện bất khả kháng để tránh trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, điều kiện thứ (3) ở trên (đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để khắc phục nhưng không khắc phục được) không phải lúc nào cũng dễ chứng minh, cần được xem xét trong từng tình huống cụ thể.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là xét trong trường hợp giao dịch dân sự là hợp đồng thì sẽ căn cứ theo những điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng xem có điều khoản nào liên quan đến sự kiện bất khả kháng không? Cụ thể nếu trong trường hợp hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh có điều khoản xác định dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng và quy định cách thức giải quyết quyền lợi của bên thuê trong việc trả tiền thuê thì hai bên sẽ tuân theo thỏa thuận đã xác định trong hợp đồng. Còn nếu trong hợp đồng không có thoả thuận thì bên thuê cần chứng minh những yếu tố có ảnh hưởng đến nghĩa vụ thực hiện hợp đồng (doanh thu bị giảm sút, đã áp dụng những biện pháp khác vẫn không cải thiện được,..) và dựa trên những cơ sở đó để đàm phán, yêu cầu bên cho thuê giảm tiền thuê/gia hạn nộp tiền thuê.

Bên bị ảnh hưởng cần phải tuân thủ các quy định của hợp đồng đã thỏa thuận, nếu có. Ví dụ, thông báo phải được đưa ra trong một thời gian hợp lý hoặc thời hạn do các bên quy định, để thông báo cho bên kia rằng sự kiện bất khả kháng liên quan đến COVID-19 đã xảy ra và cản trở bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.

Như vậy, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà dịch bệnh sẽ được coi là bất khả kháng hay không? Dịch bệnh có thể là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc giao dịch dân sự không thể thực hiện được do mệnh lệnh của nhà nước hay các bên có khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên sẽ cần xét theo từng trường hợp cụ thể để miễn, giảm trách nhiệm dân sự cho các bên trong hợp đồng.

Trong mọi trường hợp, phương thức thoả thuận lại vẫn là phương thức tối ưu nhất để tìm “tiếng nói chung” cùng nhau chia sẻ trách nhiệm khi dịch bệnh xảy đến. Và trong trường hợp các bên không thể đi đến thống nhất cách giải quyết thì trước khi đưa vụ việc ra giải quyết tại Toà án cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.

Mọi vướng mắc liên quan vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH LUẬT ĐẠI TÂM

Địa chỉ: số 120 Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Hotline 24/7: 1900.9244

Email: Tuvan@luatdaitam.vn