Doanh nghiệp có được quyền đơn phương Chấm dứt Hợp đồng lao đồng do dịch bệnh Covid-19 không?

20-04-2020, 4:02 pm

Doanh nghiệp có được quyền đơn phương Chấm dứt Hợp đồng lao đồng do dịch bệnh Covid-19 không?

Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012, Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp “do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định lý do bất khả kháng bao gồm: địch họa, dịch bệnh; Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu ngoài những trường hợp trên, không được coi là lý do "bất khả kháng”.

Đối chiếu quy định trên, nếu Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đến mức đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc thì sẽ được quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động. Điều này có nghĩa là không phải cứ có dịch bệnh là doanh nghiệp được quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Mà dịch bệnh phát tán phải gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã thực hiện mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự thì mới đủ căn cứ để được đơn phương chấm dứt Hợp đồng. Việc chấm dứt Hợp đồng trong trường hợp này là vì lý do bất khả kháng.  

Trách nhiệm của Doanh nghiệp khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ:

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về thời hạn báo trước theo Khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012. Tùy thuộc vào loại HĐLĐ đã ký kết mà thời hạn báo trước sẽ khác nhau, cụ thể:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

-  Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn, sau một thời gian theo luật định mà vẫn chưa hồi phụckhả năng lao động và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Nếu vi phạm thời hạn báo trước, Doanh nghiệp phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước (theo Khoản 5 Điều 42 Bộ luật lao động).

 

Ngoài ra, căn cứ Điều 47 và Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Doanh nghiệp vẫn có các trách nhiệm sau:

- Thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, ví dụ: phép năm chưa nghỉ; tiền lương; trợ cấp bảo hiểm;… trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

– Hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà công ty đã giữ lại của bạn.

– Trả trợ cấp thôi việc cho Người lao động nếu họ đủ điều kiện nhận trợ cấp thôi việc.

Như vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhận sự, thu hẹp sản xuất thì có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động nhưng phải tuân thủ nghĩa vụ thông báo trước cho người lao động và thanh toán đầy đủ các quyền lợi cho người lao đông.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung bài viết và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.