THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Câu hỏi: Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay được quy định như thế nào?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Hiện nay, có hai hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó:

+ Hình thức bảo hộ đương nhiên: Quyền tác giả được bảo hộ một cách đương nhiên do được định hình dưới dạng vật chất nhất định và không bảo hộ về mặt nội dung, chỉ cần đáp ứng một hình thức nhất định thì được bảo hộ mà không bắt buộc phải tiến hành đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp hay xâm phạm xảy ra, tác giả nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả, thông qua hình thức được cấp chứng nhận đăng ký quyền tác giả để làm chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

+ Hình thức bảo hộ theo yêu cầu: Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ về nội dung, ý tưởng sáng tạo và uy tín thương mại. Tiêu chí cần lưu ý: tính sáng tạo, tính mới, khả năng áp dụng công nghiệp. Theo đó, để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật. Quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ dưới hình thức văn bằng bảo hộ như: Bằng độc quyền sáng chế; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

* Thẩm quyền nhận đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ:

- Đối với quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả

Căn cứ theo Quyết định số 1436/QĐ-BVHTTDL ngày 06/05/2015 của Bộ văn hóa thể thao du lịch Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục bản quyền tác giả có quy định:

“Điều 2: Nhiệm vụ và quyền hạn

…….

Cấp, cấp lại, đổi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.”

Như vậy, căn cứ vào Quyết định nêu trên của Bộ văn hóa thể thao du lịch, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả là Cục bản quyền tác giả Việt Nam.

Cụ thể các cơ quan có quyền tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan bao gồm:

+ Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thuộc Cục Bản quyền tác giả, Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội. ĐT: 04.38 234 304.

+ Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.39 308 086

+ Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Đà Nẵng,  Số 01 Đường An Nhơn 7, Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. ĐT: 0511.3 606 967

+ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở là nơi tiếp nhận đơn và chuyển về Cục Bản quyền tác giả xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

- Đối với quyền sở hữu công nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP thì:

Cơ quan có thẩm quyền nhận đăng ký bảo hộ đối với sở hữu công nghiệp là Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp nhận các đơn đề nghị đăng ký sáng chế, thẩm định, kiểm tra đơn và cuối cùng ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

+ Địa chỉ Cục sở hữu trí tuệ: 386 Đường Nguyễn Trãi - Quận Thanh Xuân - Hà Nội. Điện thoại: 024.38583069 - 024.38585157

+ Trụ sở làm việc của Văn phòng đại diện cục sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh tại Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại: 028 3920 8485.

+ Trụ sở làm việc của Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Đà Nẵng tại Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Điện thoại: 0236.3889955.

* Nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Để bảo hộ quyền sử hữu công nghiệp, các tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, bao gồm hai nguyên tắc: nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên. Các nguyên tắc này được thể hiện như sau:

- Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên:

Thứ nhất, trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Thứ hai, trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Thứ ba, trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký trong hai trường hợp trên cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Như vậy, trong trường hợp có nhiều người hoặc nhiều đơn trùng hoặc tương đương hoặc tương tự mà dễ gây ra nhầm lẫn thì văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Việc áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên sẽ đảm bảo cho việc một đối tượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ được cấp cho một người duy nhất.

- Nguyên tắc ưu tiên:

Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

 + Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

+ Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;

+ Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

+ Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong một đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.

Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ còn được bảo hộ bởi nguyên tắc độc quyền sử dụng. Theo đó, chỉ có chủ ở hữu được phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, nếu chủ thể khác muốn sử dụng phải có sự cho phép của chủ sở hữu. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng trong mọi trường hợp, vì trong một số trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể cho phép một bên không phải chủ sở hữu được phép sử dụng sở hữu trí tuệ đó mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.