GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Câu hỏi: Các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay là gì?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau: 

Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Đất đang có tranh chấp được hiểu là loại đất mà giữa người sử dụng hợp pháp đất đó với cá nhân khác về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất, về ranh giới, về mục đích sử dụng đất hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất...Đất đang có tranh chấp cũng có thể hiểu là đất tranh chấp giữa hai cá nhân chưa xác định được ai là người sử dụng đất hợp pháp.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Tòa án nơi có bất động sản đó).

* Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

+ Thẩm quyền hòa giải cơ sở: Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai đều phải tiến hành hòa giải cơ sở trước khi khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền hòa giải cơ sở là UBND xã nơi có đất.

+ Thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải cơ sở nhưng hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng một trong hai bên không thực hiện nghĩa vụ, các bên có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp tại các cơ quan sau:

. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất (trường hợp không có yếu tố nước ngoài): tranh chấp đất đai mà một trong các bên đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sử dụng đất; tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

.Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất: giải quyết các tranh chấp về đất đai mà đương sự là người nước ngoài hoặc tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện nhưng TAND cấp huyện nhưng TAND cấp tỉnh lấy lên để giải quyết hoặc theo đề nghị của TAND cấp huyện.

. Chủ tịch UBND cấp huyện: giải quyết tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau mà các bên chưa có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

. Chủ tịch UBND cấp tỉnh: giải quyết tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà các bên chưa có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

* Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai:

- Hòa giải tranh chấp đất đai

Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

+ Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

+ Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.

+ Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

+ Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

+ Việc hòa giải phải được lập thành biên bản, phải có chữ ký của Chủ tịch hội đồng hòa giải, các bên tranh chấp có mặt, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của UBND xã, gửi ngay cho các bên tranh chấp.

- Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự tố tụng dân sự (Tòa án):

Trước khi khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, hòa giải cơ sở là thủ tục bắt buộc. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại toàn án gồm các bước như sau:

+ Hồ sơ khởi kiện:

. Đơn khởi kiện (theo mẫu);

. Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình (bản sao chứng thực);

. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hợp đồng mua bán đất; Giấy tờ xác nhận của UBND xã về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật…(nếu có);

. Biên bản hòa giải không thành của ủy ban nhân dân cấp xã;

. Các giấy tờ liên quan khác: Sổ địa chính, giấy tờ chứng minh nguồn gốc mảnh đất…(nếu có).

+ Thủ tục giải quyết:

+ Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện

Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án. Người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án, gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của Tòa Án (nếu có).

Người khởi kiện có thể tự mình khởi kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp của mình tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

+ Bước 2: Thụ lý vụ án

Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn

Chánh án tòa phân công Thẩm phán xem xét đơn (Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

+ Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết.

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác.

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

+ Bước 3: Hòa giải tranh chấp

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được.

Ra quyết định hòa giải thành khi không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận.

Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.

+ Bước 4: Chuẩn bị xét xử:

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

+ Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

+ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

+ Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

+ Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Sau khi bản án sơ thẩm được ban hành bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm) thụ lý giải quyết theo quy định sau khi người kháng cáo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo thông báo. Tòa cấp phúc thẩm có quyền giữ nguyên hoặc sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Bản án của tòa cấp phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị.

- Thời hiệu yêu cầu giải quyết:

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 thì những tranh chấp về sử dụng đất của cá nhân, tổ chức,…như tranh chấp về quyền sử dụng, nghĩa vụ sử dụng chung lối đi,….sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Khi phát hiện quyền lợi và nghĩa vụ bị xâm phạm thì các bên có quyền gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai mà không phụ thuộc vào thời hạn tính từ thời điểm xảy ra vi phạm.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.