TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI NUÔI CON SAU LY HÔN

Câu hỏi: Tranh chấp thay đổi người nuôi con sau ly hôn được pháp luật hiện nay quy định như thế nào?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Sau khi thủ tục ly hôn được giải quyết xong, cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, thì người cha, mẹ không trực tiếp nuôi hoặc một số cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện như sau:

- Người có quyền yêu cầu:

+ Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;

+ Người thân thích;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

- Thành phần hồ sơ:

+ Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;

+ Bản án ly hôn;

+ Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực);

+ Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);

+ Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con;

- Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

+ Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn chuẩn bị hồ sơ yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ hiện có đến tòa án theo hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi theo dịch vụ bưu chính, gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

+ Bước 2: Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn

Tòa án tiếp nhận đơn và ghi vào sổ nhận đơn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Chánh án tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét đơn.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ ngày được phân công, Thẩm phán được phân công xem xét đơn. Nếu đơn hợp lệ, Thẩm phán ra quyết định thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán ra thông báo bằng văn bản về việc giải quyết vụ án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.

+ Bước 3: Giai đoạn chuẩn bị xét xử

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Lập hồ sơ vụ án theo quy định;

+ Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;

+ Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;

+ Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;

+ Xác minh, thu thập chứng cứ;

+ Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có);

+ Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

Hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu không có căn cứ đưa ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.

+ Bước 4: Giai đoạn xét xử tại phiên tòa

Hội đồng xét xử tiến hành  các hoạt động tại phiên tòa để giải quyết vụ án và thực hiện thủ tục  tuyên án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.

Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định.

Lưu ý:

+ Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

+ Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.