HOÀN THUẾ

Câu Hỏi: Khái niệm và phân loại kế toán tài chính hiện nay?

Luật sư tư vấn: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

           Kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán

Hoạt động tài chính trong doanh nghiệp là những quan hệ tiền tệ gắn trực tiếp với việc tổ chức, huy động, phân phối, sử dụng và quản lý vốn một cách có hiệu quả.

* Phân loại kế toán tài chính:

- Theo cách thức ghi chép, kế toán gồm 2 loại : Kế toán đơn và kế toán kép

- Theo phần hành kế toán gồm: Kế toán tài sản cố định, kế toán vật liệu, kế toán vốn bằng tiền, kế toán thanh toán, kế toán chi phí và giá thành, kế toán bán hàng…

- Theo chức năng cung cấp thông tin: Đây là hình thức được sử dụng rộng rãi, phổ biến bởi vì mục đích của kế toán là cung cấp thông tin cho các đối tượng quan tâm, mà có rất nhiều đối tượng mỗi đối tượng lại quan tâm đến doanh nghiệp với một mục tiêu khác nhau. Theo cách này kế toán gồm: Kế toán tài chính, kế toán quản trị:

+ Kế toán tài chính: chủ yếu cung cấp thông tin bên ngoài đơn vị, doanh nghiệp là chính: cổ đông, cơ quan chức năng như thuế, thanh tra,…, các chủ nợ, ngân hàng. Bao gồm: báo cáo thuế và báo cáo tài chính.

+ Kế toán quản trị: Chủ yếu chỉ phục vụ bên trong nội bộ doanh nghiệp, cung cấp thông tin nhằm ra quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cần ưu tiên tuân thủ quy chuẩn riêng của từng doanh nghiệp trước khi tuân thủ chặt chẽ theo luật

- Theo loại hình doanh nghiệp:

+ Kế toán sản xuất:  Kế toán quá trình sản xuất tập hợp những chi phí đã phát sinh trong quá trình sản xuất của xí nghiệp theo tính chất kinh tế, theo công dụng và nơi sử dụng chi phí tổng hợp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào tài khoản chi phí sản xuất để tính ra giá thành thực tế của sản phẩm hoàn thành.

+ Kế toán dịch vụ: Là hình thức kế toán đặc thù riêng cho hình thức kinh doanh dịch vụ. Đặc điểm kế toán dịch vụ gắn liền với đặc điểm của hình thức kinh doanh dịch vụ. Kế toán dịch vụ cũng cần phải thực hiện và phản ánh kịp thời các chi phí, nghiệp vụ phát sinh, tính giá thành sản xuất, xác nhận đúng đắn kết quả kinh doanh. Đồng thời theo dõi, kiểm tra việc đảm bảo an toàn tài sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng phải quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện các định mức thực hiện, định mức sử dụng nguyên vật liệu, đẩy mạnh nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp.

+ Kế toán đầu tư xây dựng: Kế toán đầu tư xây dựng cơ bản mang nét đặc trưng riêng biệt khác với kế toán trong các loại hình doanh nghiệp thông thường.  Kế toán đầu tư xây dựng yêu cầu cần phải am hiểu về lĩnh vực xây dựng xây lắp, am hiểu về các vấn đề liên quan như dự toán, nguyên vật liệu hay nhân công lao động, cách thức thi công…

+ Kế toán thương mại: Là hình thức kế toán sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Các kỹ năng cần có của kế toán thương mại gồm: Kế toán mua hàng (Đặt hàng, Nhận hóa đơn mua hàng, Nhập kho hàng hóa); Kế toán thanh toán với nhà cung cấp (Thanh toán bằng tiền mặt, Thanh toán bằng chuyển khoản, thanh toán bù trừ); Kế toán bán hàng và cung cấp dịch vụ (Hợp đồng bán hàng, Biên bản giao hàng, Hóa đơn GTGT, Phiếu xuất kho); Kế toán thu hồi công nợ khách hàng..

* Hình thức thể hiện:

- Hình thức kế toán Nhật ký - Sổ Cái ( NK-SC):

           Các nghiệp vụ tài chính, kinh tế phát sinh được kết hợp ghi chép theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian trên cùng 1 quyển sổ kế toán tổng hợp duy nhất là sổ Nhật ký - Sổ Cái. Căn cứ để ghi vào sổ NK-SC là các chứng từ kế toán hoặc Bảng tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại.Hình thức kế toán NK-SC  gồm có các loại sổ kế toán sau:

           + Nhật ký - Sổ Cái                      

           + Các Sổ, Thẻ kế toán chi tiết.

- Hình thức kế toán Nhật ký chung (NKC):

Nguyên tắc cơ bản của hình thức kế toán Nhật ký chung: Các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đều phải được ghi vào sổ Nhật ký, trọng tâm là sổ Nhật ký chung, theo trình tự thời gian phát sinh và theo nội dung kinh tế của nghiệp vụ đó. Sau đó sử dụng số liệu trên các sổ Nhật ký để ghi Sổ Cái theo từng nghiệp vụ phát sinh.

- Hình thức kế toán Nhật ký chung gồm các loại sổ chủ yếu sau:

         + Sổ Nhật ký đặc biệt, Sổ Nhật ký chung

         + Sổ Cái

         + Các sổ, thẻ kế toán chi tiết.

           - Hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ (CTGS):

           Đặc trưng của hình thức kế toán CTGS: Căn cứ trực tiếp để ghi sổ kế toán tổng hợp là “Chứng từ ghi sổ”.

           Việc ghi sổ kế toán tổng hợp phải tuân thủ theo quy tắc gồm:

           + Ghi theo trình tự thời gian trên Sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ.

           + Ghi theo nội dung kinh tế trên Sổ Cái.

           + CTGS do kế toán lập trên cơ sở từng chứng từ kế toán hoặc Bản

           Tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại, cùng nội dung kinh tế. CTGS được đánh số hiệu liên tục trong từng tháng hoặc cả năm và có chứng từ kế toán đính kèm, phải được kế toán trưởng duyệt trước khi ghi sổ kế toán.

           - Hình thức kế toán CTGS gồm có các loại sổ kế toán sau:

           + Sổ Cái;

           + Chứng từ ghi sổ;

           + Sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ;

           + Các Sổ, Thẻ kế toán chi tiết.

- Hình thức kế toán Nhật ký- Chứng từ:

Đặc điểm cơ bản của hình thức kế toán Nhật ký - Chứng từ (NKCT):

+ Kết hợp chặt chẽ việc ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo trình tự thời gian với việc hệ thống hoá các nghiệp vụ theo từng nội dung kinh tế.

+ Tổng hợp và hệ thống hoá các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo bên Có của các tài khoản kết hợp với việc phân tích các nghiệp vụ kinh tế đó theo các tài khoản đối ứng Nợ.

+ Sử dụng các mẫu sổ in sẵn các quan hệ đối ứng tài khoản, chỉ tiêu quản lý tài chính kinh tế và lập báo cáo tài chính.

+ Kết hợp dễ dàng việc hạch toán tổng hợp với hạch toán chi tiết trên cùng một sổ kế toán và trong cùng một quá trình ghi chép.

- Hình thức kế toán Nhật ký – Chứng từ gồm có các loại sổ kế toán sau:

+ Sổ Cái;

+ Sổ hoặc thẻ kế toán chi tiết;

+ Nhật ký chứng từ;

+ Bảng kê.

- Hình thức kế toán trên máy vi tính:

Đặc trưng cơ bản của Hình thức kế toán trên máy vi tính là công  việc được thực hiện theo 1 chương trình phần mềm kế toán trên máy tính. Phần mềm này được thiết kế theo nguyên tắc của 1 trong 4 hình thức kế toán hoặc kết hợp các hình thức kế toán trên. Phần mềm kế toán không hiển thị đầy đủ quy trình ghi sổ kế toán, nhưng phải in được đầy đủ sổ kế toán và báo cáo tài chính theo quy định. Phần mềm kế toán được thiết kế theo Hình thức kế toán nào sẽ có các loại sổ của hình thức kế toán đó.

* Những điều cấm liên quan đến tài liệu kế toán:

  •     Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác.
  •     Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật
  •     Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.
  •     Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước khi kết thúc thời hạn lưu trữ quy định tại Điều 41 của Luật Kế toán.
  •     Ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.
  •     Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định của Luật này.
  •     Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.
  •     Bố trí hoặc thuê người làm kế toán, người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 51 và Điều 54 của Luật Kế toán
  •     Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức.
  •     Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.
  •     Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này.
  •     Sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp nếu đã quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc doanh nghiệp đã chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán.
  •     Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình.
  •     Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
  •     Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kế toán.

         Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: tuvan@luatdaitam.vn để được hỗ trợ cụ thể hơn.

         Rất mong nhận được sự hợp tác!

         Trân trọng./.